Hoa mắt với thị trường đổ buôn sầm uất ở Vĩnh Phúc không phải ai cũng biết

Đến Thổ Tang (Vĩnh Tường) những ngày giáp Tết, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi không khí sầm uất, náo nhiệt nơi đây. Từng đoàn xe tải lớn, nhỏ chen chúc, ra vào thị trấn để đưa và lấy hàng đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Dọc hai bên đường, nhiều nhà trưng bày la liệt hàng hóa, từ cái kim sợi chỉ, vật liệu xây dựng, nội thất, đồ gia dụng cho đến máy móc công nghiệp… Hàng hóa ở Thổ Tang đa dạng, phong phú, nhiều nhất phải kể đến các loại rau, củ, quả và hàng khô như gạo, đường, ngô, đỗ, lạc… Hàng hóa ngay sau khi tập kết tại Thổ Tang, được các thương lái trao đổi, mua bán, đóng gói cẩn thận, rồi vận chuyển đi khắp các vùng miền trong ngày.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, thị trấn Thổ Tang thường xuyên trong tình trạng tắc đường, kẹt xe. Hàng ngày, có hàng trăm chuyến xe lớn, nhỏ chuyên chở hàng hóa từ Thổ Tang đi các tỉnh. Theo quan sát của chúng tôi, các xe tải cỡ lớn được chất đầy hàng nông sản như su hào, bắp cải, cà rốt… các hàng nông sản này chủ yếu được mang đi các tỉnh miền núi phía Bắc.

Dừng chân trước một xe tải đang được xếp hàng nông sản trên đường Đống Vịnh (Thổ Tang), không khí tại đây rất tấp nập. Ông Vũ Văn Tưởng, một chủ xe cho biết: “Tôi có 2 xe vận tải chuyên chở hàng nông sản đi Hà Giang, những ngày trong năm, tôi chạy xe 2 ngày/chuyến; những ngày giáp Tết, tôi phải tăng ca 1 ngày/chuyến”.

Đang thu mua cà rốt để xếp lên xe chở đi tiêu thụ tại Hà Giang, chị Nguyễn Thị Sơn, một thương lái cho biết: “Mỗi ngày, tôi xếp từ 8 – 10 tấn cà rốt đổ bán cho các đại lý trên Hà Giang”. Theo chị Sơn, vào những ngày giáp Tết, nhu cầu về rau, củ, quả trên Hà Giang tăng nhanh, đặc biệt là các mặt hàng rau gia vị phục vụ Tết.

Người Thổ Tang có tiếng là nắm bắt thị trường nhanh nhạy, giá cả các mặt hàng ở từng vùng khác nhau được cập nhật liên tục, nên rất nhanh để họ tính được sự chênh lệch giá cả hàng hóa của các vùng miền khác nhau và nhanh chóng thu mua số lượng lớn rồi luân chuyển hàng hóa giữa các vùng miền.

Ví dụ, vào thời điểm giáp Tết, các tỉnh vùng cao với thời tiết lạnh giá, băng tuyết, thì họ sẽ thu mua từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và được đổ bán tại các tỉnh miền núi phía Bắc hoặc các tỉnh đồng bằng không có đào rừng, lợn cắp nách thì họ thu mua và chuyển về miền xuôi để bán, đặc biệt là các mặt hàng hoa quả như lê, bưởi, xoài họ nhập từ miền Nam ra để bán cho các tỉnh miền Bắc…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

TỔNG ĐÀI 24/70941.775.222